Khó khăn bủa vây, Apple phải đối mặt ít nhất 9 thách thức lớn

Apple từng được mệnh danh là ông vua của làng công nghệ. Song giờ đây, vị vua này có thể đang sa chân khi các mảng kinh doanh chính và thị trường quan trọng gặp rắc rối

Một Apple Store tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Từng thống trị thế giới công nghệ, Apple bây giờ lại bị tấn công từ nhiều phía. Nhu cầu của các khách hàng Trung Quốc chững lại. App Store hứng làn sóng chỉ trích từ các cơ quan quản lý châu Âu. Và gần đây Apple còn phải “khai tử” dự án phát triển xe hơi của mình.

Hoạt động kinh doanh gặp khó khăn khiến định giá của “táo khuyết” bị ảnh hưởng. Sau khi chạm mốc lịch sử 3.000 tỷ USD vào năm ngoái, vốn hoá của Apple đã bốc hơi hàng trăm tỷ USD trong vài tuần qua.

Và giờ đây, Microsoft – đôi khi là đồng minh và thỉnh thoảng là đối thủ của Apple – đã vươn lên trở thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Vậy đâu là những thách thức lớn mà nhà sản xuất iPhone đang phải đối mặt? 

1. Áp lực từ Liên minh châu Âu

Đạo luật Thị trường Số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tuần trước, trở thành mối đe doạ chính với hệ sinh thái của Apple.

Lần đầu tiên người dùng các thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Mỹ có thể tải phần mềm từ bên ngoài App Store. Họ cũng có thể sử dụng hệ thống thay toán khác và dễ dàng chọn trình duyệt web mặc định hơn. Nhìn chung, DMA sẽ giúp gỡ bỏ hai khúc mắc hàng đầu của các nhà phát triển phần mềm và cơ quan quan lý.

Apple từ lâu đã phản đối những thay đổi như vậy, cho rằng chúng làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng và tính bảo mật của phần mềm.

Ông Phil Schiller, Giám đốc phụ trách App Store, nhấn mạnh: “Apple đang phải tạo ra một công nghệ cho phép một ứng dụng cài đặt các ứng dụng khác và điều này tiềm ẩn rủi ro”.

“Táo khuyết” đã đồng ý thu hoa hồng thấp hơn khi khách mua hàng trên App Store, nhưng vẫn bổ sung một số khoản phí khác khiến các nhà phát triển phần mềm tức giận. Mối đe doạ lớn hơn đối với Apple là mô hình kinh doanh tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi năm có thể sẽ sụp đổ.

Ở diễn biến khác, cũng vào tuần trước, EU đã phạt Apple 1,8 tỷ euro (tương đương 2 tỷ USD). Án phạt này liên quan đến cáo buộc Apple cản trở các đối thủ phát nhạc trực tuyến như Spotify.

2. Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ 

Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã dành 5 năm để điều tra Apple và sắp tiến tới bước đệ đơn kiện. Theo cáo buộc của cơ quan thực thi luật chống độc quyền, Apple đã áp đặt các giới hạn về phần mềm và phần cứng trên iPhone và iPad, khiến nhiều đối thủ khó cạnh tranh.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết vụ kiện có thể bắt đầu vào cuối tháng 3. Song, đạo luật chi tiêu liên bang mới được thông qua sẽ hạn chế nguồn tài trợ dành cho cơ quan thực thi luật chống độc quyền, có khả năng ảnh hưởng đến mốc thời gian.

Đại diện của Apple đã gặp DoJ vào tháng 2 nhằm thuyết phục cơ quan này không xúc tiến vụ kiện.

3. Bắt kịp trong cuộc đua AI

Kể từ khi ChatGPT của OpenAI tạo được tiếng vang vào năm 2022, các công ty công nghệ đã chạy đua để bổ sung thêm nhiều tính năng AI tạo sinh vào sản phẩm của mình.

Rõ ràng là Apple đã vắng mặt trong cơn sốt này, làm dấy lên lo ngại rằng ông lớn công nghệ đang tụt lại phía sau một lĩnh vực mới giàu tiềm năng.

Apple từng tuyên bố với các nhà đầu tư rằng họ đã đưa AI vào phần mềm và dịch vụ của mình từ lâu, nhưng có vẻ nhà sản xuất iPhone cần phải tạo ra thành công vang dội hơn.

Một cú nổ lớn có thể xuất hiện vào tháng 6, khi Apple tổ chức hội nghị các nhà phát triển phần mềm hàng năm. Tại buổi công bố kết quả kinh doanh tháng trước, CEO Tim Cook hứa hẹn sẽ tạo ra một đột phá về AI trong năm nay.

Đằng sau cánh gà, ông Craig Federighi – Giám đốc phụ trách bộ phận phần mềm của Apple – đã thúc giục các cấp dưới phát triển thêm tính năng AI cho các bản cập nhật hệ điều hành năm nay, càng nhiều càng tốt.

Song, Apple cũng đang phải chơi trò đuổi bắt với những đối thủ như Samsung Electronics. Gần đây, Samsung đã trình làng những chiếc điện thoại được trang bị tính năng AI từ Google. Microsoft, nhà tài trợ lớn nhất của OpenAI, cũng đã giới thiệu một loạt tính năng AI mới.

4. Sự chững lại của thị trường Trung Quốc

Doanh số của Apple tại thị trường Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu trong nhiều tháng qua và dường như vẫn chưa dừng lại. Theo số liệu từ Counterpoint Research, doanh số bán iPhone tại đất nước tỷ dân đã giảm 24% trong 6 tuần đầu năm 2024.

Thị trường Trung Quốc nhìn chung đang khựng lại nhưng Apple trượt dốc nhanh hơn các đối thủ địa phương. Vivo đã trở thành nhà cung ứng điện thoại hàng đầu cho người dân trong nước.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nhu cầu, Apple đã triển khai các đợt giảm giá hiếm hoi trên cửa hàng trực tuyến vào tháng 1. Các đại lý địa phương cũng đang giảm giá iPhone tới 180 USD.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang, sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc – vừa là thị trường tiêu thụ vừa là trung tâm sản xuất – có thể trở nên đáng ngại.

5. Từ bỏ giấc mơ xe hơi

Tuần trước, khi truyền thông lần đầu đưa tin Apple sẽ chấm dứt dự án ô tô của mình, các nhà đầu tư cảm thấy vui mừng. Gã khổng lồ công nghệ sẽ không phải tiêu tốn hàng tỷ USD nữa.

Song, sự sụp đổ của dự án này khiến Apple đi mất một cỗ máy kiếm tiền tiềm năng. Do quá trình chế tạo xe điện khá phức tạp, Apple có thể bán một chiếc với giá 100.000 USD.

Việc Apple từ bỏ dự án ô tô cũng làm dấy lên lo ngại rằng hãng đang chọn hướng đi an toàn thay vì dũng cảm dấn thân vào các mảng mới.

6. Kính Vision Pro chưa hợp thị hiếu

Apple vừa giới thiệu một danh mục sản phẩm mới vào đầu năm nay: kính thực tế hỗn hợp. Kính Vision Pro – ra mắt vào ngày 2/2 – gây ấn tượng mạnh với công chúng và thu hút một số người dùng mới.

Song, đây vẫn là một sản phẩm đắt đỏ với mức giá 3.500 USD và chưa có nhiều ứng dụng thực tế. Vision Pro quá nặng để đeo trong thời gian dài và nhiều nhà phát triển phần mềm vẫn chưa muốn xây dựng ứng dụng riêng cho kính này.

Mục tiêu ban đầu của CEO Tim Cook là bán một cặp kính thực tế tăng cường (AR) nhẹ mà người dùng có thể đeo cả ngày. Apple chưa thể cho ra một thiết bị phức tạp như vậy nên phải chấp nhận giới thiệu một chiếc kính cồng kềnh kết hợp AR với thực tế ảo.

Thách thức bây giờ của Apple là phải làm sao để Vision Pro trở nên nhẹ hơn và rẻ hơn, giúp phổ biến sản phẩm trong công chúng. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều năm.

7. Phân khúc máy tính bảng ảm đảm

Hơn một thập kỷ sau khi iPad trở thành cơn sốt tức thời, nhiều người tiêu dùng đã không còn yêu thích máy tính bảng nữa. Theo IDC, doanh số bán iPad năm ngoái đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Đó không phải vấn đề với Apple nhưng “táo khuyết” lại đang là công ty bán máy tính bảng thống trị thị trường, chiếm khoảng 40% thị phần.

Một số người tiêu dùng đã chuyển sang những chiếc điện thoại màn hình lớn hơn hoặc quay trở lại với máy tính xách tay. Apple cũng không ra mắt mẫu iPad mới nào vào năm ngoái.

Song, tin tốt là Apple sắp tung ra thị trường những mẫu iPad mới có thể tạo ra đột phá. Lần đầu tiên iPad Air sẽ có hai kích cỡ và mẫu Pro sẽ có màn hình OLED.

8. Cuộc chiến pháp lý xoay quanh Apple Watch

Gần đây, Apple đã ngừng bán phiên bản đồng hồ thông minh có cảm biến đo oxy trong máu do dính vào cuộc chiến pháp lý với nhà sản xuất thiết bị y tế Masimo.

Apple Watch là sản phẩm chủ chốt của danh mục thiết bị đeo tay, đồ gia dụng và phụ kiện của gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Danh mục thiết bị này chiếm hơn 10% doanh thu vào năm ngoái, tương đương gần 40 tỷ USD.

Mặc dù Apple có thể vô hiệu hoá tính năng kể trên và đưa đồng hồ trở lại thị trường, đây lại là một lùm xùm pháp lý đáng xấu hổ đối với một công ty hiếm khi vướng vào rắc rối tương tự, Bloomberg cho hay.

Mất chức năng đo oxy trong máu cũng có thể cản trở việc Apple bổ sung một số tính năng sau này, chẳng hạn như đo huyết áp.

9. Chảy máu chất xám

Thay đổi nhân sự cấp cao là chuyện thường xuyên xảy ra ở Apple. Song, nhà sản xuất iPhone đã mất đi một số lãnh đạo xuất sắc trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong nhóm thiết kế.

Bart Andre, nhà thiết kế công nghiệp cấp cao có thời gian làm việc dài nhất tại Apple, vừa ra đi. Andre là một trong những người nắm giữ nhiều bằng sáng chế nhất của “táo khuyết”.

Các nhà thiết kế tài năng khác là Colin Burns, Shota Aoyagi và Peter Russell-Clarke cũng rời đi vào khoảng cuối năm ngoái.

Đội ngũ từng được huyền thoại Jony Ive dẫn dắt gần như đã không còn. Người kế nhiệm Ive là Evans Hankey cũng nghỉ việc vào năm ngoái. Bây giờ, nhóm thiết kế sẽ báo cáo trực tiếp cho COO Jeff Williams.

Bên cạnh một số biện pháp cắt giảm chi phí gần đây của Apple, việc ông Williams giám sát bộ phận thiết kế khiến một số nhân viên cảm thấy khó chịu, nguồn tin của Bloomberg cho hay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *